Hotline: 0906 201 222
Đổi mới - Sáng tạo luôn là bài toán mà cô giáo Nguyễn Thị Hoa trăn trở trong suốt 10 năm qua, nhằm tìm cách lan tỏa cảm hứng cảm hứng học tiếng Anh đến hàng triệu người Việt Nam.
"Như tờ giấy trắng" là cách Nguyễn Thị Hoa – nữ CEO IMAP, hệ thống trung tâm tiếng Anh triệu USD nói về những ngày đầu khởi nghiệp năm 2012. Không người đỡ đầu, trải qua 1,5 năm làm những công việc không phù hợp sau khi tốt nghiệp. Đam mê dạy tiếng Anh là thứ duy nhất thôi thúc Cử nhân Kinh tế Đại học Ngoại Thương quyết tâm rẽ hướng: "Cảm xúc, năng lượng mỗi lần đứng trước học viên... mới khiến mình sống thật là mình".
Đam mê ấy khởi nguồn từ những năm trung học. Câu chuyện cô bé lớp 8 thi vượt cấp, đạt giải kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh lớp 9 tỉnh chưa có tiền lệ ở một ngôi trường nghèo thuộc Quỳnh Lưu, Nghệ An. "Nếu không được cô giáo đặt niềm tin, động viên mỗi khi làm sai, mình đã không yêu thích môn học này đến thế", Hoa nhớ lại.
Nhiều năm sau, cô bé được trao niềm tin ngày nào chọn cách làm "sứ giả" tiếp tục lan tỏa niềm cảm hứng yêu tiếng Anh và động lực học cho các bạn trẻ. Số vốn 60 triệu đồng Hoa cùng chị gái vay bố mẹ để trang trải lớp học TOEIC 25m2 trên phố Vương Thừa Vũ, mà 8 năm sau đó, đã vươn mình trở thành hệ thống dạy tiếng Anh IMAP gồm Anh ngữ Ms Hoa, IELTS Fighter, Aland Ielts ... phủ khắp Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.
Với mục tiêu biến tiếng Anh thành niềm yêu thích, website được Hoa và chị là Nguyễn Thị Giang - hiện là đồng sáng lập IMAP Việt Nam xây dựng hướng vào tính tương tác. Không chỉ là nơi trao đổi kinh nghiệm, làm và chấm điểm TOEIC, cộng đồng học viên online còn coi đây là nơi để tâm sự những khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm học. Tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân trong đào tạo tiếng Anh, được vận hành theo hình thức quản trị chuyên nghiệp là hướng đi khác biệt tạo nên thành công của Anh ngữ Ms Hoa.
Triết lý mỗi người dạy là một sứ giả truyền cảm hứng được ảnh hưởng sâu sắc từ người thầy đầu tiên.
Cuối năm 2012, số lượng học viên tăng nhanh chóng, Hoa quyết định tuyển dụng thêm giáo viên thay vì một mình đứng lớp, kiên định với những tiêu chuẩn đào tạo khắt khe về trình độ. Dần dần, các tiêu chí được chuẩn hóa thành quy trình chung. Một giáo viên có kiến thức chưa đủ, mà phải có phong cách, sử dụng ngôn ngữ cơ thể, kỹ thuật giọng nói đa dạng và hơn hết là kỹ năng kết nối phù hợp với từng tính cách, đặc điểm của học viên.
"Bản chất việc học ngôn ngữ cần phải đẩy về tính giao tiếp và thực hành nói ngay trong lớp học. Một buổi học thành công là tất cả các học viên đều phải được nhận những giá trị bài học như nhau", Hoa chia sẻ. Với phương pháp đào tạo S-SMART mà trung tâm đang áp dụng, học viên sẽ ghi nhớ và thuộc ngay từ vựng tại lớp thông qua phương pháp phản xạ đồng bộ âm thanh.
"Mình sai mất rồi!" là câu cảm thán Hoa thường nói mỗi lần ngồi tỉ mẩn xem lại những clip, livestream giảng dạy. Gần 10 năm qua, xem lại từng clip, đọc phản hồi của học viên luôn là công việc ưu tiên của nữ lãnh đạo, bất kể lịch làm việc, đào tạo nhân viên bận rộn.
"Một lỗi nhỏ như dùng từ thừa, lặp từ, hay phong cách nói chuyện cá nhân, nếu không để ý cũng có thể gây khó chịu cho người nghe", Hoa nói. Mỗi lần nhìn lại là một lần nhận ra những điểm yếu cần khắc phục, hay nảy ra ý tưởng mới để hoàn thiện quy trình đào tạo hiệu quả hơn. "Mình muốn đối mặt với cái xấu xí của mình để không tiếp tục tạo nên những bản sao xấu xí".
Mỗi tháng, trung tâm đón nhận trung bình 500 hồ sơ giáo viên, trợ giảng. Nhiều người trong số đó, sau khi đi ra từ trung tâm, lại có sự sao chép ra ngoài. "Người khác sẽ xem đó là khó khăn nhưng với Hoa là động lực để mình không ngừng cách tân, sáng tạo thử nghiệm những phương pháp giảng dạy mới". Hoa chia sẻ.
Sau khi TOEIC đã có chỗ đứng trên thị trường, 2 nhà sáng lập tiếp tục tấn công vào phân khúc IELTS tầm trung với hệ thống IELTS Fighter hiện có 14 cơ sở trên cả nước. Trong năm nay, một thương hiệu mới cũng ra mắt với tên gọi Aland IELTS nhằm đáp ứng nhu cầu học online kết hợp offline cho những người bận rộn như nhân viên văn phòng, các học sinh cấp 2-3.
Ngoài ra, IMAP Pro cũng là một sản phẩm khác, chuyên về đào tạo tiếng Anh doanh nghiệp, được nhiều tập đoàn lớn như Viettel, Panasonic, các trường đại học... liên kết.
"Khi người dạy kết thúc bằng câu: Các em còn câu hỏi nào không? là một thất bại của buổi học", Hoa chia sẻ. Bởi trong quá trình dạy, giáo viên phải là người theo dõi sát sao, hiểu rõ điểm yếu và chữa đúng bệnh cho học viên của họ.
Theo Hoa, đó cũng là thay đổi xu hướng học ngoại ngữ hiện nay. Giáo viên không chia sẻ cái họ có, mà phải dạy đúng điều người học cần. Nếu như trước đây, học viên tìm đến Anh Ngữ Ms Hoa vì cách dạy và truyền cảm hứng của giảng viên, thì ngày nay, họ tới đây để được khơi dậy tiềm năng cá nhân.
Ở trung tâm, người học được trao quyền để đánh giá giáo viên dựa trên các bộ tiêu chí, về tính tương tác, kỹ năng sử dụng giọng nói, kỹ thuật đặt câu hỏi, kỹ thuật sử dụng slide ... Theo đó, học viên sẽ có ý thức về quyền lợi được quan tâm, hỗ trợ, chủ động nhận được những giá trị tốt nhất cho mình.
Gần 10 năm đứng trên bục giảng, truyền cảm hứng học tiếng Anh cho hàng triệu học viên, dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đối với Hoa, trước mắt vẫn là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và không ngừng trăn trở về phương pháp giảng dạy mới. Để mỗi ngày đến lớp là một trải nghiệm thực sự thú vị và đáng nhớ đối với từng học viên. Từ đó, tiến gần hơn tới sứ mệnh giúp 10 triệu người Việt tự tin giao tiếp tiếng Anh.
Đó mới chính là mục tiêu cao cả nhất mà nhà giáo dục trẻ này đã và đang theo đuổi, bằng cả trái tim.
Trích nguồn: https://vnexpress.net/longform/co-giao-voi-giac-mo-pho-cap-tieng-anh-cho-10-trieu-nguoi-viet-3971441.html?fbclid=IwAR3aUwT4GYERAB8YW8ENk4AjjQqV2tdNhq-Lrbp7vT6ORYKCSxCUuK6UVUQ